Trong thời gian mang thai, ngoài ốm nghén và thay đổi tâm trạng thất thường, làn da của bạn thay đổi rất nhiều trong suốt quá trình nuôi dưỡng em bé, một số người còn gặp các vấn đề về da nghiêm trọng. Dưới đây là một số ý kiến của chuyên gia da liễu giúp hạn chế tối đa các vấn đề này.
Mụn
Nguyên nhân: sự gia tăng của hormon progesterol trong khi mang thai có thể dẫn đến việc gia tăng hình thành mụn.
Giải pháp: retinoid, benzoyl peroxid và acid salicylic là những loại thuốc mà thai phụ cần tránh tuyệt đối, do tác dụng nguy hiểm tiềm ẩn của chúng trên thai nhi. Thay vào đó, điều trị nốt mụn bằng dẫn xuất chứa gốc sulfur và glycolic.
Ngoài ra, một số các kháng sinh tại chỗ (dạng kem hoặc gel) có thể được sử dụng. Hầu hết các thuốc không kê đơn thường ít có nguy cơ, nhưng thai phụ vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Nốt ruồi bị biến đổi
Nguyên nhân: Lượng estrogen tăng cao có thể gây ra hiện tượng nốt ruồi bị lớn lên và sẫm màu hơn lúc ban đầu.
Giải pháp: Nếu bạn thấy bất kì sự thay đổi nào của nốt ruồi trong khi mang thai, hãy đến bác sĩ da liễu để khám và theo dõi tình trạng da. Vì sự thay đổi về màu sắc, kích thước, hình dạng nốt ruồi có thể là biểu hiện của ung thư da.
Nám da
Nguyên nhân: Thường gặp ở tông màu da tối hơn, nám được gây ra bởi lượng estrogel tăng cao kích thích sản xuất melanin dư thừa. Thêm vào đó, việc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời có thể làm gia tăng sự biến đổi màu da, thường xuất hiện trên má, trán, môi hoặc mũi.
Giải pháp: Sử dụng kem chống nắng với chỉ số SPF ít nhất là 30 mỗi ngày và cố gắng hạn chế tối da sự tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nếu bạn đang bị nám, hãy tìm kiếm một sản phẩm chăm sóc da với thành phần làm sáng da bao gồm viamin C, AHAs như acid glycolic hoặc lactic. Đặc biệt lưu ý tránh xa các sản phẩm chứa thành phần là hydroquinone. Sự biến đổi này thường giảm dần sau khi sinh.
Vết rạn da
Nguyên nhân: Hầu hết thai phụ đều gặp phải tình trạng này ở nhiều mức độ khác nhau. Vết rạn da thường gặp ở ba tháng cuối thai kì, da bị căng ra và nứt, do thai nhi lớn hơn so với khả năng co dãn của da.
Giải pháp: Một tin không tốt là nếu vết rạn da đã xảy ra thì nó sẽ gắn liền với làn da bạn mãi mãi. Nhưng, bạn có thể giúp giữ ẩm bằng chất làm mềm da trong khi mang thai bằng dầu dừa nguyên chất, bơ hạt mỡ. Sau khi mang thai, một số phương pháp điều trị bằng laser có thể giúp giảm thiểu sự ửng đỏ, kích thích sản xuất collagen và làm mờ vết rạn da.